Thủ khoa ngành Quốc tế học và con đường trở thành BTV truyền hình

Đào Hương Anh, thủ khoa đầu ra ngành Quốc tế học (Đại học Hà Nội) năm 2012 không bao giờ ngờ rằng các hoạt động điện ảnh mình tham gia thời sinh viên với mục đích rèn luyện bản thân lại là khởi nguồn cho bước ngoặt sự nghiệp khi ra trường.

Cuộc dạo chơi với điện ảnh

Cấp 3, Đào Hương Anh tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện về môi trường. Chính những hoạt động đó gieo vào cô nữ sinh mơ ước được làm việc cho các tổ chức quốc tế và tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này. Chú trọng tất cả các môn học nhưng Hương Anh vẫn ưu ái ngoại ngữ và các môn xã hội. Lớp 12, khi tham gia ngày hội Open Day ở Đại học Hà Nội, cô bạn chú ý đến khoa Quốc tế học vì chương trình và mục đích đào tạo đáp ứng các tiêu chí bản thân đặt ra trong lựa chọn ngành học.

Trở thành sinh viên, Hương Anh ý thức rất rõ các tổ chức INGO, World Bank hay UN đòi hỏi điều kiện rất cao ở nhân sự nên luôn nỗ lực học tập. Ngay năm đầu tiên, cô gái trẻ tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Năm nhất đại học, khi làm bài thuyết trình so sánh sự khác nhau giữa EU và ASEAN, để tạo sự mới mẻ, Hương Anh đổi hướng, mở đầu bài thuyết trình bằng clip. Đó là lần đầu tiên cô bạn tự mày mò biên tập, dựng file trên máy tính. Bài thuyết trình gây ấn tượng, được đánh giá cao khiến cô bạn hứng khởi, tiếp tục tìm hiểu và áp dụng nhiều ý tưởng khác nhau trong làm clip nhằm phục vụ việc học.

Những clip đặc sắc, thú vị xuất hiện trong bài thuyết trình, thảo luận nhóm… trở thành “thương hiệu” của Hương Anh. Các anh chị khóa trên biết tiếng, bắt đầu nhờ cô viết kịch bản, quay và dựng clip cho các chương trình của khoa. Sự sáng tạo và nhiệt huyết là lý do để khoa chọn Hương Anh tham gia lớp học phim tài liệu liên kết giữa Đại học Hà Nội và Đại học New School (Mỹ) theo chương trình Fullbright. Nhưng vì vướng lịch học nên cô không thể tham dự.

Vừa tiếc vừa buồn, Hương Anh quyết tìm một lớp học làm phim khác và tình cờ biết đến các khóa học làm phim miễn phí của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh (TPD) do quỹ Ford của Mỹ tài trợ. Trải qua 3 vòng thi tuyển, Hương Anh trở thành học viên TPD.

Phim tài liệu tại TPD được thực hiện theo phương pháp điện ảnh trực tiếp: ghi lại trực tiếp và đồng bộ một cách khách quan hình ảnh và âm thanh từ hiện thực, tối giản lời bình và sự dàn dựng của đạo diễn. Cách làm này khác với cách làm phim tài liệu và phóng sự truyền hình truyền thống. Sự mới mẻ đó hấp dẫn Hương Anh. Cô bạn là một trong số ít học viên trụ được đến cuối khóa và có phim tốt nghiệp.

Từ đó, Đào Hương Anh gia nhập cộng đồng làm phim trẻ lớn nhất miền Bắc. Trong suốt 4 năm đại học, với Hương Anh làm phim chỉ là cuộc chơi. “Tôi muốn theo đuổi một sở thích cá nhân, rèn luyện kĩ năng mềm, quen được thêm nhiều bạn mới, tiếp xúc với môi trường mới. Chưa bao giờ tôi coi đó là định hướng chính trong sự nghiệp của mình”, cô bạn chia sẻ.

Ở trường, Hương Anh khiến bạn bè nể phục khi liên tiếp 4 năm đại học nhận học bổng xuất sắc thì trong cộng đồng làm phim trẻ, nữ sinh viên Đại học Hà Nội ghi dấu ấn với những bộ phim lọt vào top 15 phim tài liệu xuất sắc nhất giải Búp Sen Vàng năm 2011, top 10 phim truyện xuất sắc nhất giải Búp Sen Vàng năm 2012.

Từ nhân viên tổ chức phi Chính phủ đến phóng viên nhà Đài

Năm 2012, tốt nghiệp đại học, Đào Hương Anh bắt đầu tìm việc. Không phải chờ lâu, nữ thủ khoa đầu ra ngành Quốc tế học được nhận vào làm việc tại một tổ chức phi chính phủ về môi trường. Hương Anh đảm nhiệm các dự án liên quan đến video. Cô gái trẻ yêu thích công việc, say mê với cách kể chuyện bằng hình ảnh, thích thú với những khung hình.Theo thời gian, nữ thủ khoa nhận ra đó không phải sở thích bình thường mà là một đam mê. Và Hương Anh muốn được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp hơn, có nhiều điều kiện tiếp cận với lĩnh vực mà cô yêu thích.

Thời điểm đó, biết thông tin tuyển dụng phóng viên, biên tập viên của VTV6 nhưng Hương Anh băn khoăn. Bởi ngoài những kiến thức, trải nghiệm được trang bị ở TPD, cô gái trẻ chưa có kinh nghiệm chuyên nghiệp, không bằng cấp chuyên môn ở lĩnh vực báo chí. Đài truyền hình cũng là môi trường mà Hương Anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đặt chân đến. Nhưng rồi cô bạn vẫn ứng tuyển với suy nghĩ mình còn trẻ, không thử thì làm sao biết khả năng. Nữ thủ khoa có niềm tin biết đâu đó là nơi mình thực sự thuộc về. Và… Hương Anh trúng tuyển.

Cô bạn chia sẻ trong các lần tìm việc, chưa lần nào cô nói với nhà tuyển dụng mình là thủ khoa. Hương Anh tâm sự: “Tôi nghĩ danh hiệu thủ khoa không phải yếu tố để xin việc, đó là sự ghi dấu kết quả học tập trong 4 năm. Cái mà mình nhận được trong 4 năm đấy mới là yếu tố giúp mình đi xa hơn trong cuộc sống. Quá trình học, bản thân tôi cũng không có tư tưởng mình phải là thủ khoa. Tôi chỉ luôn nghĩ mình phải làm mọi thứ sao cho tốt nhất có thể, để không có gì phải hối tiếc về chặng đường đã đi”.

Công việc đầu tiên Hương Anh được giao khi vào Đài truyền hình là đi quay tin trong buổi tối và dựng trong đêm để kịp sáng phát sóng sớm. Hôm ấy cũng chính là ngày gia đình cô chuyển nhà. Tuy rất hào hứng với công việc mới và không sợ phải thức đêm, nhưng điều cô áy náy nhất, đó là không thể giúp được bố mẹ vào lúc cần nhất.

Với Hương Anh, làm truyền hình là công việc vất vả và nhiều áp lực. Cô bạn thường phải qua đêm ở nhà Đài và gần như không biết đến các kỳ nghỉ lễ, tết. Tham gia nhiều chương trình hàng ngày, Hương Anh luôn trong tình trạng sẵn sàng với các tin bài đột xuất. Khối lượng công việc nhiều đến mức trước đó nữ thủ khoa chưa bao giờ hình dung được. Bên cạnh đó, cô còn chịu áp lực về chất lượng sản phẩm. Bởi ngoài việc đảm bảo tính chính xác của nội dung vừa phải chắc chắn nó hấp dẫn được khán giả.

Nhưng chưa khi nào Đào Hương Anh thấy mệt mỏi bởi cô yêu công việc năng động và sáng tạo này. Làm truyền hình mang lại cho Hương Anh cảm giác về sự “giàu có”. “Khi làm một chương trình, dù chỉ là một bản tin, tôi được biết thêm nhiều điều, nhiều câu chuyện, tâm sự mới. Tôi vui vì với công việc của mình, nhiều người không có cơ hội cất tiếng nói được bày tỏ, nhiều câu chuyện hay được truyền tải rộng rãi… Tôi có niềm vui của một người được sống nhiều cuộc đời, nhiều số phận…” Bên cạnh niềm vui công việc, điều khiến Hương Anh day dứt, áy náy là trách nhiệm của mình với gia đình không được trọn vẹn. Cô bạn luôn ước có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình…

(CNO) Thúy An | 06:29 ngày 28/05/2016 – Theo nguồn báo Con người

Facebook Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *