NGÀNH NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN (TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ NỘI)

Ngành học nào đang được các tổ chức quốc tế săn đón?

Phát triển bền vững vẫn đang là xu hướng chung của thế giới. Tổ chức Liên Hiệp Quốc (United Nations) đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với mục tiêu đảm bảo hoà bình và giải quyết các thách thức toàn cầu về phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam là một trong 193 quốc gia cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc năm 2015 tại New York, Mỹ. Do đó, ngành học “Nghiên cứu phát triển” là một trong những ngành học mang tính chiến lược, hội tụ đầy đủ yếu tố chính trị – kinh tế – xã hội mà các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ và các đơn vị nhà nước mong muốn tuyển dụng.

Mai Quế Anh (sinh viên ngành Nghiên cứu phát triển, Khoa quốc tế học, Trường Đại học Hà Nội) vừa đạt Giải thưởng Sao tháng Giêng của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chia sẻ: “Khi đăng ký ngành học, mình lựa chọn dựa trên hai tiêu chí: Kiến thức nghiên cứu, tính thực tiễn và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Và giờ đây, sau 3 năm học ngành này, mình đã rất bất ngờ với sự thay đổi của chính mình. Ngành học không chỉ giúp mình hiểu rõ hơn về những kiến thức cơ bản của xã hội nói chung và ngành phát triển nói riêng, như đói nghèo, bất bình đẳng kinh tế, bất bình đẳng giới, biến đổi khí hậu hay phát triển kinh tế, mà mình còn được đi thực tế, tham gia các chương trình nghiên cứu thực địa, các chương trình trao đổi sinh viên đa văn hoá, cùng gặp gỡ những con người đang đối mặt với những thách thức ấy mỗi ngày. Mình được tham gia các dự án, làm việc cùng các chuyên gia, được đào tạo để không chỉ nhìn thấy vấn đề mà còn biết cách tìm và thúc đẩy các giải pháp. Môi trường năng động đã giúp mình tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, phụng sự cộng đồng. Thêm vào đó, theo em, học Nghiên cứu Phát triển không chỉ là học về thế giới, mà còn là học về chính mình – về trách nhiệm, về cách mình có thể tạo ra sự thay đổi dù nhỏ bé. Đây là một ngành học không chỉ thú vị mà còn đầy ý nghĩa, dành cho những ai mang trong mình khao khát xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Và mình tin rằng: Nếu bạn cũng có mong muốn ấy, đây chắc chắn là một con đường đáng để dấn thân”.

 

Nghiên cứu phát triển là ngành học gì?

Nghiên cứu phát triển là ngành học đào tạo, nghiên cứu các vấn đề phát triển bền vững như: nghèo đói, xung đột, bất bình đẳng, môi trường sống và biến đổi khí hậu, quyền con người và xã hội dân sự, cách mạng số và phát triển,…ở các cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm đưa ra giải pháp khắc phục, tiến đến cuộc sống văn minh và bình đẳng. Dù là đất nước phát triển hay đang phát triển thì những vấn đề này luôn tồn tại. Vì vậy mà nhu cầu đào tạo và cơ hội việc làm của ngành này hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Sinh viên khi theo học ngành này sẽ được trang bị những kiến thức khoa học xã hội một cách hệ thống, chuyên sâu và hiện đại; được cung cấp một cách tổng quát về lý thuyết phát triển, chính sách phát triển, các vấn đề phát triển trong và ngoài nước phù hợp với mô hình các nước đang phát triển, có tính đến đặc thù của từng quốc gia. Từ đó, người học có thể vận dụng được những kiến thức liên ngành như kinh tế, chính trị, nhân học, xã hội học và kỹ năng nghiên cứu đa dạng để phân tích, đánh giá các vấn đề phát triển của mỗi quốc gia nói riêng, thế giới nói chung.

Trường nào đào tạo ngành học này?

Hiện nay, tại Việt Nam, Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Hà Nội là cơ sở duy nhất giảng dạy và đào tạo ngành Nghiên cứu phát triển bằng tiếng Anh. Chương trình bắt đầu được tuyển sinh từ năm 2020 với những lợi thế vượt trội như:

* Giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh

Bắt kịp xu hướng hội nhập quốc tế, giảng dạy, nghiên cứu và học tập ngành Nghiên cứu phát triển hoàn toàn bằng Tiếng Anh giúp sinh viên vừa có chuyên môn vững vàng vừa thành thạo ngoại ngữ chuyên ngành và giao tiếp, là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân sau này.

Đồng thời chương trình được xây dựng trên nền tảng hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy nghiên cứu phát triển như một định hướng chuyên ngành trong chương trình cử nhân Quốc tế học, thường xuyên được cập nhật các môn học mới, tiên tiến trên thế giới.

* Giảng viên có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn

Đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, có kiến thức chuyên môn phù hợp và kinh nghiệm làm việc thực tiễn tại các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và các dự án quốc tế.

* Nhiều chương trình học bổng trao đổi

Sinh viên theo học ngành Nghiên cứu phát triển có cơ hội tham gia nhiều chương trình trao đổi ngắn hạn tại các nước như: Ba Lan, Anh, Ý, Thụy Điển, Đài Loan… Khi học trao đổi, sinh viên được xét chuyển điểm tương đương cho các học phần học ở nước ngoài, được trải nghiệm các nền văn hóa, tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến, tìm hiểu thêm kiến thức chuyên môn và mở rộng chuyên ngành nghiên cứu trong tương lai, kết nối mạng lưới, mở ra nhiều hướng phát triển nghề nghiệp và nghiên cứu cho sinh viên. Đặc biệt, Khoa hỗ trợ sinh viên tìm kiếm các cơ hội học bổng tại các trường đối tác uy tín trên thế giới.

Chu Huyền Trang (sinh viên năm thứ 3, ngành Nghiên cứu Phát triển vừa hoàn thành chương trình học bổng trao đổi tại Đại học Vác-xa-va, Ba Lan) cho biết: “Với sự quan tâm đặc biệt dành cho lĩnh vực xã hội và mong muốn được làm việc cho các tổ chức vì cộng đồng nên em đã lựa chọn ngành Nghiên cứu Phát triển tại HANU để theo đuổi định hướng này. Đặc biệt,  dưới sự giảng dạy tận tâm của các thầy cô, em đã tích lũy được nền tảng kiến thức vững chắc, tư duy hệ thống về ngành và có cơ hội nhận học bổng trao đổi tại Ba Lan. Những trải nghiệm trong thời gian học trao đổi này đã mang lại cho em nhiều bài học ý nghĩa và đáng nhớ. Nhìn lại chặng đường đã qua, em càng chắc chắn rằng lựa chọn theo học tại trường là một quyết định đúng đắn. Những kiến thức và trải nghiệm có được không chỉ là tài sản quý giá về mặt tinh thần mà còn là bước đệm vững chắc để em có thể theo đuổi công việc yêu thích trong tương lai”.

 

 

* Tham gia các chương trình thực địa cùng giáo viên, sinh viên quốc tế và nhiều hoạt động ý nghĩa tại các tổ chức trong và ngoài nước

Trong quá trình học, sinh viên thường xuyên được tham gia các buổi tọa đàm, các chương trình chia sẻ thông tin của các chuyên gia, diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện nước ngoài như: Tổ chức di cư Quốc tế (IOM), tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Đại sứ quán Canada, Đại sứ quán New Zealand, Đại sứ quán Ireland, … Nhờ đó, sinh viên được tiếp cận những thông tin đa chiều về bức tranh toàn cảnh của thế giới.

Sinh viên được tham gia các dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước như: Dự án “Thanh niên tham gia xoá bỏ định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” hợp tác giữa Trường Đại học Hà Nội và CISDOMA do Liên minh Châu âu và tổ chức Oxfam tài trợ; Dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo liên ngành về biến đổi khí hậu trong hợp tác Bắc – Nam: Vùng thấp & Vùng cao” do Bộ Ngoại giao Ailen, thông qua Cơ quan Viện trợ Ailen và nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Trao đổi giáo dục song phương Việt Nam – Ailen” (hay còn gọi là VIBE) tài trợ. Qua các dự án này, sinh viên được tham gia các chuyến đi thực địa để nghiên cứu và tìm hiểu về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu đến sinh kế, di cư và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi cũng như người dân sống ở vùng biển.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Khoa Quốc tế học thực hiện các hoạt động nghiên cứu thực địa dành cho sinh viên ngành hoặc định hướng Nghiên cứu phát triển của Khoa với sinh viên, giảng viên từ Thụy Điển. Trong thời gian học, sinh viên có 01 kỳ học với giảng viên, sinh viên Thụy Điển, trong đó có 03 tuần thực địa tại Hà Giang, trải nghiệm cuộc sống với con người vùng cao và các dân tộc thiểu số, học cách phiên dịch và phối hợp nghiên cứu với sinh viên, giáo viên Thụy Điển và ngược lại. Kết thúc kỳ học thực địa, những báo cáo nghiên cứu tốt của sinh viên được lựa chọn tham gia trình bày tại các Hội thảo khoa học.

Sinh viên được tham gia các cuộc thi về sáng kiến, dự án giúp giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới, sinh kế, phát triển… Kết quả cuộc thi, sáng kiến hoặc dự án tốt nhất sẽ được tài trợ toàn bộ chi phí để triển khai, giúp sinh viên được thực hành như một cán bộ dự án thực thụ ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.

Ngành Nghiên cứu phát triển ra trường làm gì?

Sau 4 năm học ngành Nghiên cứu phát triển, sinh viên đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực phát triển, đặc biệt là kiến thức liên ngành và ngoại ngữ. Do đó, sinh viên sẽ có nhiều lựa chọn trong công việc, học tập và nâng cao trình độ bản thân. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các vị trí như sau:

– Công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của Việt Nam;

– Chuyên viên, nhân viên làm việc trong các cơ quan phát triển, các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán và các tổ chức phi chính phủ;

– Điều phối viên/cán bộ chương trình làm việc cho các dự án, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức nghề nghiệp.

Giảng viên, nghiên cứu viên làm việc tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về khoa học xã hội và khoa học liên ngành.

Ngành Nghiên cứu Phát triển tại Trường Đại học Hà Nội xét tuyển khối nào?

Ngành Nghiên cứu Phát triển hiện đang được Trường Đại học Hà Nội xét tuyển khối D01 (Toán, Văn, tiếng Anh) với cách tính điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp là Điểm tổng = Toán + Văn + (tiếng Anh x 2)+ điểm ưu tiên (nếu có). Dưới đây là điểm chuẩn ngành Nghiên cứu Phát triển trong các năm học vừa qua.

Stt

Ngành đào tạo Tổ hợp môn xét tuyển Mã Ngành

Điểm trúng tuyển

2019

2020 2021 2022 2023
14 Nghiên cứu phát triển D01 7310111 / 24.38 33.85 32.22

32.55

 

Những ai phù hợp với ngành Nghiên cứu phát triển

Nếu bạn yêu thích làm việc trong lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn, nếu bạn mong muốn được làm việc cho các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, nếu bạn quan tâm đến các vấn đề toàn cầu như nghèo đói, bất bình đẳng, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế – xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu,…và mong muốn đóng góp giải pháp cải thiện cuộc sống, giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và tạo ra tác động hữu hình đến cộng đồng thì ngành “Nghiên cứu phát triển” chính là lựa chọn tốt nhất cho bạn.

Facebook Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *