HTKH “Đổi mới công tác Quản lý sinh viên Trường ĐHHN”

HANU – Đổi mới công tác quản lý sinh viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quản trị đại học. Nhằm nâng cao chất lượng quản lý và tương tác với sinh viên, sáng ngày 27/4/2021, tại Trường Đại học Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp Trường “Đổi mới công tác Quản lý sinh viên Trường Đại học Hà Nội”.

Đến dự Hội thảo có đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo Phòng Công tác Sinh viên các trường đại học như: Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Thủy Lợi, trường Đại học Giao thông Vận tải, trường Đại học Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Phenikaa, trường Đại học Văn hóa, Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, giám đốc công ty TNHH Phát triển Giáo dục và Công nghệ I&E Việt Nam. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc Phương cùng với hơn 50 đại biểu là các thầy, cô đại diện cho lãnh đạo các đơn vị, trợ lý hành chính, trợ lý giáo vụ các đơn vị đào tạo Trường Đại học Hà Nội đã đến dự đông đủ.

Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc Phương chân thành gửi lời cảm ơn tới đại diện của các trường đại học đối tác, đồng thời cũng là các đồng nghiệp đã đến tham dự đông đủ tại buổi Hội thảo ngày hôm nay. Điều đó cho thấy sự trọng thị cũng như tinh thần đoàn kết chặt chẽ của hệ thống Phòng Công tác Sinh viên tại các trường đại học. Đây cũng là bước khởi đầu cho mỗi trường để hoạt động quản lý sinh viên đạt kết quả tốt hơn vì không gì quý bằng sự chia sẻ kinh nghiệm.

Khái quát về những nhiệm vụ của Phòng Công tác Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp tại Trường Đại học Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc Phương nhấn mạnh: Đào tạo con người trong trường đại học chính là quá trình bồi dưỡng, giáo dục nâng cao tư tưởng chính trị cho các em sinh viên, để từ đó đào tạo ra những con người vừa hồng vừa chuyên, có tư tưởng chính trị vững vàng và quan trọng nhất là có đạo đức, có tâm để sống, phục vụ cho xã hội. Bên cạnh nhiệm vụ kết nối doanh nghiệp, kết nối mạng lưới cựu sinh viên, Phòng Công tác Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp cũng luôn chú trọng nhiệm vụ chăm lo cho đời sống tinh thần và thể chất của sinh viên, để kịp thời nắm bắt tư tưởng, hỗ trợ kịp thời giúp sinh viên vượt qua các khó khăn thử thách, tốt nghiệp ra trường. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc Phương hy vọng buổi Hội thảo hôm nay sẽ là một diễn đàn để các trường chia sẻ những kinh nghiệm giúp công tác quản lý sinh viên được tốt hơn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được lắng nghe chia sẻ nhiều nội dung, kinh nghiệm bổ ích thông qua các báo cáo tham luận được trình bày. Trong bài tham luận “Giáo dục lý tưởng chính trị cho sinh viên thông qua các hoạt động ngoài giờ giảng dạy”, ThS Phạm Thị Mai Vui (Khoa Giáo dục Chính trị – Trường Đại học Hà Nội) nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc đa dạng hóa các hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Việc giáo dục lý tưởng cách mạng không chỉ là những bài học lý thuyết khó hiểu trên những giờ học chính khóa mà còn có thể lồng ghép, mở rộng trong nhiều hoạt động ngoại khóa khác, thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn – Hội… nhằm giúp sinh viên có một tâm lý thoải mái và tự nguyện, tự giác tìm hiểu, thay đổi nhận thức từ đó dẫn đến thay đổi hành vi. ThS Phùng Quốc Hiếu (Trường Đại học Văn hóa) mang đến những chia sẻ về một số bất cấp trong quá trình đánh giá rèn luyện của sinh viên và tính ưu việt của việc “Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên” nhằm giúp việc quản lý, đánh giá sinh viên đảm bảo, khách quan cũng như chính xác, nhanh chóng hơn. Bằng kết quả thực tiễn đúc kết ra từ hơn 15 chuyến dẫn sinh viên đi thực tế trải nghiệm, ThS Đặng Quốc Long (Khoa Quốc tế học – Trường Đại học Hà Nội) đã có nhiều chia sẻ về vấn đề “Trải nghiệm thực tế tại tổ chức, doanh nghiệp của sinh viên”. Giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa các nội dung tiếp cận trên giảng đường và môi trường hoạt động làm việc của các tổ chức, doanh nghiệp còn có một khoảng cách. Chính vì vậy, việc được trải nghiệm thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp đã giúp sinh viên có được những quyết định đúng khi lựa chọn định hướng chuyên ngành và môi trường làm việc phù hợp sau này.

Tại hai tham luận cuối của buổi Hội thảo tập trung vào những kết quả về chuyển đổi số đang được áp dụng tại Trường Đại học Hà Nội. Trong đó với nội dung “Truyền thông và kết nối sinh viên trên hệ sinh thái số”, đại diện Công ty TNHH Phát triển Giáo dục và Công nghệ I&E Việt Nam đã giới thiệu được những hiệu quả vượt bậc của hệ thống Hanu Conections do đơn vị hỗ trợ Trường Đại học Hà Nội xây dựng, triển khai. Trong đó có việc triển khai Hành chính một cửa điện tử như một điểm đột phá trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho sinh viên trong Trường. Nội dung này được chia sẻ chuyên sâu hơn tại tham luận “Giải pháp cải cách thủ tục hành chính một cửa dành cho sinh viên Trường Đại học Hà Nội” của ThS Nguyễn Thị Thủy (Phòng CTSV&QHDN, Trường Đại học Hà Nội). Phần mềm hoạt động trên 2 nền tảng là Website và Ứng dụng di động HANU Connections cho phép sinh viên, cán bộ giáo viên cập nhật thông tin một cách tức thời, biết rõ tình trạng của hồ sơ đang xử lý; việc gửi cũng như xử lý, phê duyệt đơn được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Việc sử dụng phần mềm Hành chính một cửa điện tử đã từng bước thực hiện chuyển đổi số để chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ sinh viên.

Bên cạnh các báo cáo tham luận được trình bày tại Hội thảo, đại diện một số trường như: trường Đại học Văn hóa, Đại học Bách khoa, Khoa Quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn đã và đang triển khai tại đơn vị. Thông qua những ý kiến trao đổi, thảo luận và chia sẻ tại Hội thảo sẽ góp phần giúp Trường Đại học Hà Nội cũng như các trường đối tác ngày càng nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác quản lý sinh viên, đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại.

Facebook Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *